Đăng ký để cập nhật những thông tin mới nhất về Thiên Á
03 tháng 05 2018
Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được báo cáo Bộ Chính trị để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khai mạc vào tuần tới.
Nội dung Đề án nêu lên hàng loạt cải cách, trong đó với khu vực công, Ban chỉ đạo Đề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).
Theo quy định hiện hành, mức lương cơ bản chiếm 100%, chỉ những ngành đặc thù có phụ cấp. Tuy nhiên, lâu nay cơ cấu này bị phá vỡ, mỗi cơ quan ra một văn bản quy định riêng. Ví dụ, một số cơ quan Đảng có 30% phụ cấp; công chức hành chính có 25% phụ cấp công vụ. "Đây là lý do mà thiết kế cơ cấu tiền lương cần thiết được dỡ ra làm lại", một chuyên gia cho biết.
Ban hành hệ thống bảng lương mới
Thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Cụ thể sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm bảng lương cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm); bảng lương cho quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương cho công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), Ban chỉ đạo Đề án đề xuất thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.
Khoán quỹ lương
Việc cải cách cũng hướng đến sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.
Đề án cũng nêu rõ việc thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.
Doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương
Đối với khu vực doanh nghiệp, Đề án nêu định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp.
Theo Đề án, tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành trong doanh nghiệp sẽ được tách bạch; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.
Để thực hiện nội dung cải cách trên, Đề án nêu giải pháp hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để có cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.
Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm, phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Đề án nêu rõ bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước...
"Cần quyết tâm thực hiện"
Là người đã bốn lần tham gia xây dựng đề án cải cách tiền lương, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, vấn đề quan trọng là nội dung cải cách của đề án phải được cụ thể hóa thành chính sách và quyết tâm thực hiện.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân. Ảnh: PV
Đơn cử, Đề án xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Theo ông Huân, "việc này đã nói từ lâu nhưng không làm được vì không có tiền".
"Hiện lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp thấp nhất là gần 2,8 triệu đồng, trong khi lương cơ sở của khu vực công mới 1,5 triệu. Vì vậy để đạt được mục tiêu thì cần cố gắng rất nhiều", ông Huân nói.
Về giải pháp khoán quỹ lương, ông Huân cũng cho biết đã được thử nghiệm từ nhiều năm trước nhưng gây ra rất nhiều tranh luận. Ví dụ, khi có đơn vị thí điểm chia tiền lương làm hai phần, một phần lương cơ bản, một phần trả theo hiệu quả công việc. Ai làm ít thì hưởng thấp, ai làm nhiều được trả nhiều. Tuy nhiên thí điểm này chưa thành công vì thiếu sự đồng thuận, nay muốn làm phải có quyết tâm chính trị; thông qua khoán quỹ lương, các cơ quan có thể sử dụng tiết kiệm biên chế, từ đó tăng thêm thu nhập cho người lao động mà vẫn đảm bảo hoàn thành công việc.
"Thời điểm tôi làm Vụ phó cải cách tiền lương, chúng tôi nói số công chức không đạt yêu cầu phải chiếm đến 40%, nếu giảm số này thì thu nhập của công chức tăng lên gần gấp đôi. Khi làm Vụ trưởng Tiền lương, tôi cũng nói với biên chế 18 người, tôi chỉ cần 8 người là làm hết được công việc nhưng người phải do tôi chọn lựa", ông Huân nói.
Trước việc Chính phủ đề xuất giao quyền cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tự chủ quyết định chính sách tiền lương, ông Huân cho rằng, hiện doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn tự chủ trả lương căn cứ theo thị trường lao động và độ phức tạp trong công việc. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu giao quyền và không có cơ chế kiểm soát thì không ổn.
"Họ làm chẳng được bao nhiêu nhưng lại ăn hết, cuối cùng vốn của nhà nước mất. Để tránh tình trạng này thì dù nhà nước không can thiệp trực tiếp nhưng phải đưa ra các nguyên tắc để doanh nghiệp thực hiện trong hành lang đó. Nếu muốn tăng lương thì anh phải tăng năng suất, tăng hiệu quả công việc và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", nguyên Thứ trưởng Lao động góp ý.
Về giải pháp, ông Huân đồng tình với Đề án là phải tiết kiệm từ nhiều nguồn khác nhau, làm sao cho "cái bánh ngân sách to ra" và cải cách tiền lương phải gắn chặt với tinh giản biên chế, thu gọn các ban của Đảng cũng như bộ máy hành chính từ trung ương đến cấp huyện, xã.
Một vấn đề trong đề án khiến ông Huân băn khoăn, là tại sao đề án lại để mốc thời gian thực hiện từ 2021, tức là sang đến nhiệm kỳ sau.
"Nếu thiết kế chính sách cho nhiệm kỳ sau thì ít ra phải đặt mục tiêu nhiệm kỳ này phải chuẩn bị những gì, làm được gì", ông Huân nói.
Hoàng Thùy
15 tháng 07 2019
09 tháng 02 2019